Tác phẩm Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài là một trong những tác phẩm trọng tâm ôn thi học kì hai cũng như kì thi tốt nghiệp THPT QG. Trong tác phẩm, có nhiều dạng đề. Một trong những đề khá quan trọng đó là: phân tích tâm trạng Mị trong đêm tình mùa xuân.
Ở đây REAL REVIEW, điểm qua một vài kiến thức có liên quan nhằm giúp các bạn học sinh ôn tập lại kiến thức đã học, đồng thời hiểu sâu về tác phẩm, để thấu hiểu được những giá trị nhân đạo sâu sắc mà nhà văn Tô Hoài đã gửi gắm qua tác phẩm Vợ chồng A Phủ. Đồng thời ở đây, chúng tôi cung cấp cho các bạn một bài văn mẫu phân tích tâm trạng Mị trong đêm tình mùa xuân, khá chuẩn, và đầy đủ kiến thức. Từ đó, giúp cho các bạn đọc rèn luyện thêm kĩ năng viết văn.
Sau đây, chúng ta đi vào cụ thể bài viết.
Một vài phong tục của người Mông – phân tích tâm trạng của Mị trong đêm tình mùa xuân.
Ném pao – Trò chơi độc đáo của người Mông
♦ Trò chơi ném pao thường được tổ chức trong các ngày Tết, các lễ hội truyền thống của người H’Mông như Lễ hội Gầu Tào, Lễ hội Nào Sồng, ngày mừng nhà mới hay Lễ cúng bản… Trong những ngày lễ hội, người đàn ông H’Mông đều mang theo khèn và biểu diễn những điệu múa khèn mạnh mẽ thể hiện sự trai tráng của mình thì người phụ nữ phải mang theo quả pao để đối xứng. Quả pao thể hiện sự cần cù, chăm chỉ và khéo léo của phụ nữ H’Mông.
♦ Đối với đồng bào H’Mông ném pao không chỉ là trò chơi mà nó còn ẩn chứa trong đó bao điều lý thú. Ban đầu họ chỉ chơi cho vui với nhau theo từng nhóm, sau đó đôi nam nữ nào thích nhau họ sẽ ném quả pao cho nhau và cứ ném qua, ném lại hàng giờ, hàng ngày mà không biết chán. Trong cuộc vui, nếu cô gái ưng chàng trai nào thường là họ khéo léo giấu tình cảm qua ánh mắt, nụ cười, còn các chàng trai ưng cô gái nào thì giữ luôn quả pao. Với trò chơi này, những mệt mỏi, nhọc nhằn của cuộc sống thường nhật đều được xua tan và đối với nhiều người H’Mông, quả pao không chỉ là trò chơi mà còn là hoài niệm về tình yêu đôi lứa.
♦ Mời các bạn xem chi tiết về bài viết: “Ném Pao – trò chơi dân gian của dân tộc H’Mông Yên Bái” TẠI ĐÂY
Kéo vợ – Phong tục của người Mông
♦ Tục “kéo vợ” là một phong tục cổ truyền của đồng bào Mông ở vùng Tây Bắc. Phong tục này gắn liền với việc hệ trọng của đời người, đó là chuyện hôn nhân, dựng vợ gả chồng của các gia đình người Mông.
♦ Tục kéo vợ của đồng bào Mông ở vùng cao Tây Bắc đến nay vẫn được gìn giữ ở một số địa phương nhưng ít hơn trước. Phong tục này thể hiện giá trị nhân văn sâu sắc của người phụ nữ Mông, đó là khát vọng tự do trong tình yêu, hôn nhân của người Mông từ xa xưa. Đây là một nét đẹp trong văn hóa cổ truyền của đồng bào Mông nơi đây.
♦ Mời các bạn xem chi tiết về bài viết: “Tục kéo vợ – Nét văn hóa cổ truyền của đồng bào Mông vùng Tây Bắc” TẠI ĐÂY
♦ Tuy nhiên, gần đây tục kéo vợ đã bị biến tướng trở thành một hủ tục, người phụ nữ trở thành nạn nhân của phong tục đó. Mời các bạn xem đoạn clip sau:
Việc tìm hiểu các phong tục tập quán trên giúp cho chúng ta có cơ sở hiểu một cách đúng đắn nhất tác phẩm Vợ chồng A Phủ. Từ đó, chúng ta sẽ thấu hiểu được những giá trị nhân đạo sâu sắc mà nhà văn Tô Hoài thể hiện qua tác phẩm. Từ đó giúp chúng ta phân tích sâu sắc hơn tâm trạng của Mị trong đêm tình mùa xuân.
Một vài những nhận định về tác giả Tô Hoài và tác phẩm Vợ chồng A Phủ trong việc phân tích tâm trạng của Mị trong đêm tình mùa xuân – Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài)
- Tô Hoài nói về Mị: “…Nhưng điều kì diệu là dẫu trong cùng cực đến thế mọi thế lực của tội ác cũng không giết được sức sống con người. Lay lắt, đói khổ, nhục nhã, Mị vẫn sống, âm thầm, tiềm tàng mãnh liệt”.
- Có những nhà văn, nhà thơ làm vinh dự cho chữ Hán, làm vinh dự cho chữ Nôm. Anh Tô Hoài, cùng với Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố…làm vinh dự cho chữ quốc ngữ. Tôi được gần các thế hệ đi trước, càng hiểu giá trị của những giây phút sống bên cạnh họ, kể cả khi các anh im lặng. (Nhà thơ Hữu Thỉnh)
- Tô Hoài là một nhà văn lớn của Văn học Việt Nam hiện đại, người có 95 năm tuổi đời nhưng đã dành hơn 70 năm đóng góp cho văn học. Ông là nhà văn chuyên nghiệp, bền bỉ sáng tác và có khối lượng tác phẩm đồ sộ. (Phạm Xuân Nguyên – Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội)
- Nói về Mị, nhà văn Tô Hoài tâm huyết rằng: “Số phận của cô là sự hồi sinh mãnh liệt của con người cô. Sự hồi sinh của một con người là vô cùng quý giá.”
- Thật khó để tìm được một nhà văn thứ hai vừa có thể miêu tả chân thật, tinh tế những cung bậc cảm xúc của cô Mị yêu sống nhưng bị giam cầm trong cảnh tù túng của “Vợ chồng A Phủ” ( Phan Anh Dũng)
- Ông là cây đại thụ cuối cùng của lớp tác giả văn xuôi thời kì Cách Mạng. (Hà Minh Đức)
- Bản chất của văn chương Tô Hoài là phong cách, bút pháp đậm đà bản sắc dân tộc. Phẩm chất ấy là sự tích tụ của cả một đời gắn bó với đất nước và nhiều miền quê hương, trân trọng và yêu thương những con người lao động mang tâm hồn và tính cách của người Việt Nam (Hà Minh Đức)
- Hơn cả một nhà văn, Tô Hoài đã, đang và sẽ luôn là người bạn đường thân thiết của độc giả thuộc mọi lứa tuổi, trên con đường đưa họ đến với thế giới động vật tưởng tượng thuở nhỏ, hay đến với những miền đất mới, đến với con đường đời dài rộng khi đã trưởng thành. (Phan Anh Dũng)
- Hơi thở cuộc sống luôn đầy ắp và hiện rõ trên từng trang viết của nhà văn Tô Hoài, đưa ông cùng nhiều nhà văn, nhà thơ tên tuổi khác làm nên “mùa gặt ngoạn mục nhất của văn học Việt Nam thế kỉ 20. ( Trích bài viết “Nhà văn Tô Hoài nặng lòng với những trang văn về Tây Bắc”, Báo mới)
- Đất nước và người miền Tây đã để thương để nhớ cho tôi nhiều, không thể bao giờ quên… Hình ảnh Tây Bắc đau thương và dũng cảm lúc nào cũng thành nét, thành người, thành việc trong tâm trí tôi. (Tô Hoài)
Khi phân tích tâm trạng của Mị trong đêm tình mùa xuân, các bạn có thể vận dụng từ 1 đến 2 nhận định trên vào bài viết của mình, để bài viết sâu sắc, sáng tạo và thuyết phục hơn.
Bài văn mẫu – phân tích tâm trạng nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân
Mở bài – phân tích tâm trạng nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân
“Tây Bắc ư? Có riêng gì Tây Bắc
Khi lòng ta đã hóa thành những con tàu”
(Tiếng hát con tàu – Chế Lan Viên)
Mảnh đất nơi xứ thiêng đã khơi nguồn và thăng hoa lưu dấu tên tuổi của những nhà văn và nhà thơ. Nếu như Chế Lan Viên trở về Tây Bắc là tìm về ngọn nguồn cảm xúc, ngọn nguồn của ơn nghĩa và khơi nguồn thi ca, thì với Tô Hoài lên Tây Bắc là buông dòng cảm xúc trong tập truyện Tây Bắc.
Nhà văn Tô Hoài từng phát biểu: “Đất nước và người miền Tây đã để thương để nhớ cho tôi nhiều, không thể bao giờ quên… Hình ảnh Tây Bắc đau thương và dũng cảm lúc nào cũng thành nét, thành người, thành việc trong tâm trí tôi”. Qua tập truyện Tây Bắc nói chung, qua tác phẩm Vợ chồng A Phủ nói riêng đã thể hiện tình cảm nhân đạo sâu sắc của ông đối với người lao động nghèo khó nơi miền núi Tây Bắc.
Đặc biệt, tác phẩm đã rất thành công khi miêu tả và phân tích tâm trạng của Mị trong đêm tình mùa xuân.
Thân bài – phân tích tâm trạng nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân
*Khái quát về tác giả Tô Hoài, tác phẩm Vợ chồng A Phủ – trong đề phân tích tâm trạng Mị trong đêm tình mùa xuân.
– Tác giả
Tô Hoài là một nhà văn lớn, có số lượng tp đạt kỉ lục trong văn học VNHĐ.
Tô Hoài là nhà văn có vốn hiểu biết phong phú và sâu sắc về con người và phong tục tập quán của nhiều vùng khác nhau trên đất nước ta. Văn Tô Hoài luôn hấp dẫn người đọc bởi lối trần thuật hóm hỉnh, sinh động trên cơ sở vốn sống, vốn từ vựng giàu có.
– Tác phẩm: Xuất xứ và hoàn cảnh sáng tác
Vợ chồng A Phủ (1952) là tác phẩm được in trong tập truyện Tây Bắc.
Tp là kết quả của chuyến đi cùng bộ đội vào giải phóng Tây Bắc năm 1952. Đây là chuyến đi thực tế dài 8 tháng sống gắn bó, tình nghĩa với đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Bắc.
* Khái quát về nhân vật Mị – trong đề phân tích tâm trạng Mị trong đêm tình mùa xuân.
Nhân vật Mị là hình tượng nghệ thuật đặc sắc có ý nghĩa khái quát, tiêu biểu cho cuộc sống đau khổ, tủi nhục và quá trình vùng lên tự giải phóng của đồng bào miền núi Tây Bắc. Đoạn văn miêu tả diễn biến tâm trạng của Mị trong đêm tình mùa xuân với những tình tiết chân thực và cảm động đã thể hiện sức sống mãnh liệt cùng khao khát tình yêu cháy bỏng của Mị – người con gái xinh đẹp mà bất hạnh.
Mị xuất hiện ngay từ đầu tác phẩm, gây ám ảnh cho người đọc về một kiếp người héo hắt, tàn tạ “chỉ biết cúi mặt, mặt buồn rười rượi”. Mị không hiện lên bằng chân dung mà hiện lên bởi số phận – một số phận đau buồn về kiếp người làm dâu gạt nợ trong nhà thống lí Pá Tra.
* Triển khai nội dung phân tích diễn biến tâm trạng Mị trong đêm tình mùa xuân.
Phân tích tâm trạng của Mị trong đêm tình mùa xuân, được thể hiện qua các luận điểm sau:
♦ Lúc mới đầu về làm dâu để phản kháng lại cái sự vô lí ấy “mấy tháng trời đêm nào Mị cũng khóc”. Khóc là biểu hiện của trạng thái tâm lí bị ức chế, không cam chịu, không chấp nhận cái sự thật nghiệt ngã ấy. Mị cũng từng nghĩ đến cái chết khi cầm nắm lá ngón về tự tử trước mặt cha nhưng vì thương cha già Mị không đành chết. Mị ném nắm lá ngón xuống đất như ném đi tuổi trẻ hạnh phúc của mình để quay về nhà thống lí chấp nhận kiếp sống trâu ngựa.
♦ Cái địa ngục trần gian ấy đã giam cầm cuộc đời Mị. Tuổi xuân của Mị bị vùi dập đến héo úa, lụi tàn trong căn buồng chỉ độc một cái cửa sổ nhỏ như lòng bàn tay “trông ra ngoài không biết là sương hay là nắng”.
Mị bị nô lệ hóa trở thành công cụ lao động. Nói đúng hơn là bị bóc lột sức lao động một cách tàn tệ trở thành một súc nô trong nhà thống lí, cuộc sống của Mị bị vùi vào công việc cả ngày lẫn đêm “Tết xong thì lên núi hái thuốc phiện, giữa năm thì giặt đay xe đay, đến mùa thì lên nương bẻ bắp…”.
♦ Không chỉ vậy, Mị còn bị bóng ma thần quyền áp chế làm cho tê liệt về tinh thần, mất hết cả ý thức phản kháng. Nhà văn Tô Hoài đã nhiều lần so sánh Mị với con vật (con ngựa, con trâu, con rùa). Từ đó, Mị sống trong vô cảm, tâm hồn bị phong kín bởi sự lặng câm, băng giá “càng ngày Mị càng không nói, cứ lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa”.
♦ Nhưng bằng cảm quan nhân đạo, và tấm lòng yêu thương đồng cảm với số phận con người, Tô Hoài đã mang đến cho người đọc những thước phim quay chậm về sự bùng lên của một sức sống tiềm tàng, mãnh liệt đang âm ỉ cháy trong con người Mị. Sức sống ấy như một hòn than nhỏ đang bị vùi lấp trong cái vẻ ngoài lặng câm vô cảm. Vô tình cơn gió đêm tình mùa xuân đã làm hồi sinh con người Mị, làm thức dậy cả một kí ức tươi đẹp và trỗi dậy một sức sống, lòng ham sống đến cuồng nhiệt nhưng cũng đầy bi kịch.
♦♦ Mùa xuân ở Hồng Ngài rộn rã âm thanh và màu sắc. Đó là tiếng cười của trẻ con, màu vàng ửng của cỏ gianh và gió rét dữ dội, là màu đỏ của những chiếc váy hoa phơi trên những mõm đá xòe ra như những con bướm sặc sỡ và chắc chắn không thể thiếu được “tiếng sáo gọi bạn yêu lửng lơ bay ngoài đường”. Chính những hình ảnh và âm thanh ấy như một con gió thổi tung đám tro tàn đang vây quanh cuộc đời Mị. Đặc biệt qua nghệ thuật trần thuật và miêu tả đặc sắc, Tô Hoài đã mang đến cho người đọc một linh hồn đang cựa quậy hồi sinh đằng sau lớp xác giá băng của Mị.
Đầu tiên, chính tiếng sáo đã tác động đến Mị, góp phần làm thức tỉnh một tâm hồn nguội lạnh. Tiếng sao như sợi dây vô hình nối Mị với quá khứ và hiện tại làm sống dậy trong Mị một kí ức tươi đẹp. Nói đúng hơn là nó đánh thức cái tài hoa trong Mị “Mị thổi sáo hay, thổi lá giỏi, có biết bao người mê ngày đêm thổi sáo đi theo Mị”. Quá khứ đẹp nhưng đối lập với một hiện tại buồn mênh mang. Mị ngồi nhẩm thầm lời của người đang thổi sáo:
Mày có con trai con gái rồi
Mầy đi làm nương
Tao không có con trai con gái
Tao đi tìm người yêu
♦♦ Tiếng sáo làm Mị mạnh mẽ hơn, Mị thoát khỏi cái lớp xác vô hồn ấy bằng một hành động nổi loạn. Mị tìm đến rượu, nhưng không phải để tìm vui mà là để giải sầu “Mị uống ừng ực từng bát”. Mị uống “ừng ực” như nuốt căm hận vào lòng. Sự bất bình thường ấy đã nói lên tất cả. Sức chịu đựng có hạn, đã đến lúc cần bùng cháy. Rượu và tiếng sáo chính là chất men say đánh thức phần đời đã mất của Mị. Giờ đây Mị không còn lặng câm nữa mà đã hồi sinh. Mị đang sống về ngày trước, không có gì có thể ngăn được niềm vui sướng của Mị “lòng Mị đột nhiên vui sướng như những đêm tết ngày trước”. Còn gì hạnh phúc bằng khi mình đã tìm lại được chính mình?
Tô Hoài đã thâm nhập vào mê cung tâm trạng của người phụ nữ này bằng lòng cảm thông và yêu thương sâu sắc, nhà văn đã làm người đọc thật sự xúc động trước những biến đổi về tâm lí của Mị. Con rùa nuôi trong xó cửa ấy đã không còn lùi lũi nữa rồi. Nó đã phá vỡ cái bức tường vô cảm kia để khát khao tìm ra thiên đường mùa xuân của tuổi trẻ, của hạnh phúc.
♦♦ Mị nhận thức được chính mình, đó chính là ý thức về tuổi trẻ. Mị thấy mình còn trẻ “Mị trẻ lắm. Mị hãy còn trẻ. Mị muốn đi chơi”. “Còn trẻ” nghĩa là còn sức sống, còn khao khát sống, còn muốn yêu thương. Đúng là một cảm xúc bi kịch: nhận ra mình còn trẻ khi mà tuổi xuân bị tước đoạt và sống trong hoàn cảnh đáng thương này thì đúng là bi kịch. Nhưng dù đó là bi kịch thì Mị vẫn vui sướng vì dù sao Mị vẫn còn là chính mình với trái tim đầy khát vọng.
♦♦ Nhưng đau đớn thay, cùng với cảm xúc tìm lại được chính mình là một nỗi tủi thân. Tủi thân khi nghĩ về thực tại. Mị đã có chồng nhưng người chồng ấy không tình yêu, không hạnh phúc. A Sử là một kẻ khốn nạn, hắn đã giam hãm cuộc đời Mị và dẫu là “không có lòng với nhau mà cũng phải ở với nhau”. Còn gì đau khổ bằng phải sống với một kẻ vũ phu chỉ xem mình như món đồ chơi và bị khinh rẻ như một súc nô. Mị lại tưởng đến nắm lá ngón, Mị ao ước “nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này Mị sẽ ăn cho chết ngay chứ không buồn mà nhớ lại nữa, nhớ lại nước mắt chỉ ứa ra”. Muốn chết để giải thoát nỗi đọa đày, muốn chết để thoát khỏi bi kịch, điều này dễ thông cảm nhưng hơn hết Tô Hoài đã mang đến cho người đọc sự lột xác của Mị. Mị muốn chết chính là biểu hiện của sức sống. Khi Mị đã hồi sinh, khó có thể nào chấp nhận được thực tại cay đắng này.
♦♦ Nhưng không có nắm lá ngón, tâm trạng Mị chợt xoay sang hướng khác. Khi mà tiếng sáo gọi bạn yêu ngoài kia đang réo gọi, khi mà cả thiên đường hạnh phúc của mùa xuân phía sau ở cửa nhỏ kia đang nồng nàn, thôi thúc trái tim Mị. Mị không thể ngồi yên được nữa. Mị vào phòng. Mị xắn một miếng mỡ bỏ vào đĩa đèn dầu, thắp lên ngọn đèn trong căn phòng u ám, đặc quánh muộn phiền. Ngọn đèn như xua tan tất cả cái bóng tối u ám đang bao quanh cuộc đời Mị. Ngọn đèn thấp sáng tâm hồn Mị, đốt cháy cả nỗi khát khao vượt ra khỏi bức tường địa ngục để đến với thế giới ngoài kia đang đạp dìu tiếng sáo.
♦♦ Tô Hoài đã diễn tả thật sâu sắc cái khát vọng cháy bỏng ấy của Mị bằng một đoạn văn ngắn nhưng giàu nỗi cảm thông chia sẻ. Câu văn ngắn, nhịp gấp thể hiện sự trỗi dậy mãnh liệt của nhân vật “Mị quấn lại tóc. Mị với tay lấy cái váy hoa vắt ở phía trong vách”. Mị hành động thản nhiên, dù biết A Sử đang hiện diện trong căn buồng. Mị không sợ, bóng ma thần quyền đã không thể nào làm gì được Mị nữa rồi. Nhưng đau đớn thay, sự độc ác tàn nhẫn của giai cấp thống trị miền núi đã dập tắt cái khát vọng và sự trỗi dậy đó của Mị. A Sử đã nhẫn tâm trói Mị bằng một thúng sợi đay, tóc Mị xõa xuống hắn cuốn luôn tóc Mị lên cột nhà là cho Mị không cúi, không nghiêng đầu được.
♦♦ Nhưng lúc này đây, Mị đâu còn sống bằng thể xác nữa mà Mị đang thực sống bằng tâm hồn. A Sử trói được thể xác của Mị nhưng không thể nào trói được tâm hồn của Mị. Bởi tâm hồn của Mị đã vượt qua khỏi cái lỗ vuông bằng bàn tay kia để sống cùng đêm tình mùa xuân của tuổi trẻ.
♦♦ Thể xác nằm đây, giữa bốn bức tường câm lặng nhưng hồn Mị đang đi theo những cuộc chơi, những đám chơi. Tâm hồn Mị ngập đầy tiếng sáo, ăm ắp những kỉ niệm đẹp tươi của thời tuổi trẻ. Và rồi Mị vùng bước đi theo tiếng sáo đang rập rờn. Và chính hành động này đã cho thấy, Mị không hề biết mình đang bị trói, cũng không cảm nhận được nỗi đau của thể xác. Đến lúc này, mới nhận được cái đau. Dây trói thít chặt vào da. Tay chân không cựa được. Mị ngậm ngùi từ cõi mơ trở về với thực tại đầy cay đắng “Mị thổn thức nghĩ mình không bằng con ngựa”.
♦♦ Sức sống ấy vẫn âm ỉ chày dù cho đau đớn và tủi nhục. Suốt đêm, Mị lúc mê lúc tỉnh. Lúc mê thì sống hơi rượu tỏa cùng tiếng sáo mênh mang gọi bạn tình. Lúc tỉnh thì nồng nàn tha thiết nhớ. Có một chi tiết rất đặc sắc khi nhà văn kết thúc diễn biến tâm trạng Mị trong đem tình mùa xuân. Đó là chi tiết “Mị tỉnh dậy và nhớ lại câu chuyện người đàn bà bị chồng trói chết trong căn nhà này”. Và Mị đã sợ, sợ chết “Mị cựa quậy xem thử mình còn sống hay đã chết”. Có thể nói, sợ chết là biểu hiện của lòng ham sống.
♦♦ Sau đêm tình mùa xuân ấy, bằng chi tiết, Mị cùng người chị dâu đi hái thuốc cho A Sử. Mị thoa thuốc cho chồng, nhưng mệt mỏi sau một đêm bị trói đứng, Mị ngủ gục và bị A Sử đạp vào mặt. Mị ngồi dậy, lẳng lặng xoa thuốc tiếp cho chồng.
Bằng chi tiết nhỏ này, nhưng ta thấy được tấm lòng nhân đạo sâu sắc của nhà văn Tô Hoài. Qua việc miêu tả và phân tích tâm trạng của Mị trong đêm tình mùa xuân, ông đã phê phán bọn giai cấp cầm quyền, địa chủ miền núi độc ác, đã làm cho Mị, một người con gái vừa mới bừng dậy sức sống, khát khao được tự do, khát khao được yêu thương, đã lập tức bị kìm hãm, áp bức trở nên lặng lẽ, câm nín như lúc ban đầu.
*Triển khai đánh giá hành động, tâm trạng của Mị trong đêm tình mùa xuân và biệt tài miêu tả phân tích tâm lí nhân vật.
Sức sống trong con người khốn khổ ấy đã không lụi tàn mà ngược lại vẫn mãnh liệt như những đợt sóng ngầm đang gào trong lòng đại dương tưởng như không gì có thể dập tắt nổi. Nói như nhà văn Lỗ Tấn “một tia lửa hôm nay, báo hiệu một đám cháy ngày mai”. Chắc chắn đợt sóng ngầm ấy, sẽ hứa hẹn trở thành đợt sóng thần của ngày mai. Đó là đêm cởi trói cho A Phủ một năm sau đó.
Nhà văn Tô Hoài đã rất trân trọng sự hồi sinh của Mị, sức sống tiềm tàng trong con người Mị. Bởi vậy nhà văn có lần đã phát biểu về nhân vật Mị. Ông nói: “…Nhưng điều kì diệu là dẫu trong cùng cực đến thế mọi thế lực của tội ác cũng không giết được sức sống con người. Lay lắt, đói khổ, nhục nhã, Mị vẫn sống, âm thầm, tiềm tàng mãnh liệt”. Đó là giá trị nhân đạo sâu sắc mà nhà văn Tô Hoài gởi đến cho người đọc.
Đoạn văn miêu tả diễn biến tâm trạng của Mị trong đêm tình mùa xuân dù ngắn, nhưng đã thể hiện một cách thật sâu sắc phong cách nghệ thuật độc đáo của nhà văn Tô Hoài.
(Ngoài ra, các bạn có thể phân tích thêm: Thông qua việc miêu tả và phân tích tâm trạng của Mị trong đêm tình mùa xuân, nhà văn đã cho ta thấy được giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo sâu sắc của tác phẩm. Giá trị hiện thực là khái quát xã hội Việt Nam ở miền núi Tây Bắc trước cách mạng bị địa chủ phong kiến áp bức bóc lột cả về thể xác lẫn tinh thần. Giá trị nhân đạo của tác phẩm là sự thương yêu, đồng cảm của nhà văn đối với số phận nghèo khổ của người dân và lên án, phê phán sự áp bức bóc lột đến bất công của thế lực địa chủ phong kiến miền núi. Qua đó, tác giả trân trọng sức sống tiềm tàng của người dân, vẻ đẹp tâm hồn của người dân.)
* Triển khai đặc sắc nghệ thuật trong đề phân tích tâm trạng Mị trong đêm tình mùa xuân.
– Nghệ thuật xây dựng nhân vật có nhiều điểm đặc sắc (A Phủ được miêu tả qua hành động, Mị chủ yếu được khắc họa tâm tư, …), đặc biệt là ở nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật.
– Trần thuật uyển chuyển, linh hoạt; cách giới thiệu nhân vật đầy bất ngờ, tự nhiên mà ấn tượng; kể chuyện ngắn gọn, dẫn dắt tình tiết khéo léo.
– Biệt tài miêu tả thiên nhiên và phong tục, tập quán của người dân miền núi.
– Ngôn ngữ sinh động, chọn lọc và sáng tạo, câu văn giàu tính tạo hình và thấm đẫm chât thơ, …
Từ đó, tác giả Tô Hoài đã rất thành công khi miêu tả và phân tích tâm trạng của Mị trong đêm tình mùa xuân.
Kết bài – phân tích tâm trạng nhân vật của Mị trong đêm tình mùa xuân
“Bản chất của văn chương Tô Hoài là phong cách, bút pháp đậm đà bản sắc dân tộc. Phẩm chất ấy là sự tích tụ của cả một đời gắn bó với đất nước và nhiều miền quê hương, trân trọng và yêu thương những con người lao động mang tâm hồn và tính cách của người Việt Nam”. (Hà Minh Đức).
Có thể nói qua tác phẩm Vợ chồng A Phủ nói chung, và đoạn văn miêu tả tâm trạng của Mị trong đêm tình mùa xuân thể hiện sự gắn bó, hiểu biết sâu sắc về mảnh đất Tây Bắc và người Mông (Mèo) – một dân tộc thiểu số của nước ta.
Qua đó, ta thấy được tình thương và sự đồng cảm sâu sắc của ông đối với người lao động nghèo bị áp bức ở Tây Tắc, đồng thời ca ngợi và trân trọng vẻ đẹp tiềm tàng của họ. Đó là lòng khát khao được tự do, khát khao hạnh phúc và vùng lên giải phóng của người dân.
Mời các bạn tham khảo thêm bài viết liên quan:
# Cảm nhận tâm trạng Mị trong đêm mùa đông cắt dây trói cứu A Phủ.