“Đây thôn Vĩ Dạ” là một trong những bài thơ hay của chương trình Văn 11. Việc phân tích đoạn thơ trong bài “Đây thôn Vĩ Dạ” – Hàn Mặc Tử là một đề khá quen thuộc. Có 3 khả năng phân tích đánh giá một đoạn thơ trong bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ. Sau đây, lediem.net hướng dẫn các bạn cách làm bài Phân tích khổ 2 Đây thôn Vĩ Dạ – Hàn Mặc Tử.
Hàn Mặc Tử (1912-1940), tên khai sinh là Nguyễn Trọng Trí, tỉnh Đồng Hới (nay là Quảng Bình), trong một gia đình viên chức nghèo, theo đạo Thiên Chúa. Cha mất sớm, ông sống với mẹ ở Quy Nhơn và có hai năm học trung học tại trường Pe-lơ-ranh ở Huế. Sau đó, ông làm công chức ở Sở Đạc Điền Bình Định rồi vào Sài Gòn làm báo. Đến năm 1936, ông mắc bệnh phong, sau đó, ông về hẳn ở Quy Nhơn chữa bệnh và mất tại phong Quy Hòa.
Đề: Phân tích khổ 2 Đây thôn Vĩ Dạ
“Gió theo lối gió mây đường mây
Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?”
(Trích Đây thôn Vĩ Dạ – Hàn Mặc Tử)
Gợi ý làm bài: Phân tích khổ 2 Đây thôn Vĩ Dạ
a.Bố cục:
Bài văn đảm bảo bố cục 3 phần: Mở bài, thân bài, kết bài.
b. Nêu vấn đề nghị luận
Trích yêu cầu đề
Trích phạm vi đề (Ngữ liệu thơ)
c.Triển khai vấn đề
– Khái quát tác giả, tác phẩm, đoạn trích.
– Phân tích đánh giá đặc sắc nội dung đoạn thơ
– Phân tích đánh giá đặc sắc nghệ thuật đoạn thơ
– Phân tích tác dụng của đặc sắc nghệ thuật trong đoạn thơ.
– Đánh giá đoạn thơ.
d. Chính tả, dùng từ, đặt câu
Viết bài rõ ràng, không bôi xóa, tô đen, chính tả chuẩn hoặc ít lỗi chính tả.
e. Sáng tạo
Sáng tạo về nội dung phân tích đánh giá
Sáng tạo về cách diễn đạt.
Một vài nhận định về tác giả, tác phẩm: Phân tích khổ 2 Đây thôn Vĩ Dạ
- “Có thể nói rằng, bước vào Đây thôn Vĩ Dạ là bước vào những câu hỏi đầy ám ảnh về tình đời, tình người.” (Lê Thị Hồ Quang)
- “Thơ không cần nhiều từ ngữ, nó cũng không quan tâm đến hình xác sự sống. Nó chỉ cần cảm nhận và chuyển đi một chút linh hồn của cảnh vật thông qua linh hồn thi sĩ”
(Nguyễn Đăng Mạnh) - “…Một nguồn thơ rào rạt và lạ lùng…” và “Vườn thơ Hàn rộng không bờ không bến càng đi xa càng ớn lạnh…” (Nhà phê bình văn học Hoài Thanh)
- “…Theo tôi thơ đời Hàn Mặc Tử sẽ còn lại nhiều. Ông là người rất có tài, đóng góp xứng đáng vào Thơ mới.” (Nhà thơ Huy Cận)
- “Hàn Mặc Tử có khoảng bảy bài hay, trong đó có bốn bài đạt đến độ toàn bích. Còn lại là những câu thơ thiên tài. Những câu thơ này, phi Hàn Mặc Tử, không ai có thể viết nổi. Tiếc là những câu thơ ấy lại nằm trong những bài thơ còn rất nhiều xộc xệch…”
(Nhà thơ Trần Đăng Khoa) - “Tôi xin hứa hẹn với các người rằng, mai sau, những cái tầm thường, mực thước kia sẽ biến tan đi, và còn lại của cái thời kỳ này, chút gì đáng kể đó là Hàn Mạc Tử.”
(Nhà thơ Chế Lan Viên) - “Trước không có ai, sau không có ai, Hàn Mặc Tử như một ngôi sao chổi xoẹt qua bầu trời Việt Nam với cái đuôi chói lòa rực rỡ của mình” (Nhà thơ Chế Lan Viên)
Hướng dẫn cách viết: Phân tích khổ 2 Đây thôn Vĩ Dạ
Mở bài: Phân tích khổ 2 Đây thôn Vĩ Dạ
Cảm nhận thơ trữ tình xét cho cùng là cảm nhận “cái tình” trong thơ và tâm trạng của nhân vật trữ tình trước thiên nhiên, vũ trụ, đất trời. Đến với thơ ca lãng mạn Việt Nam, giai đoạn 1932 – 1945 “ta thoát lên tiên cùng Thế Lữ, ta phiêu lưu trong trường tình cùng Lưu Trọng Lư, ta điên cuồng cùng Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, ta đắm say cùng Xuân Diệu” (Hoài Thanh, Thi nhân Việt Nam). Đúng thế, bạn đọc đương thời và hôm nay yêu thơ Hàn Mặc Tử bởi chất “điên cuồng” của nó. Chính “chất điên” trong thơ ông chính là sự thay đổi của tâm trạng khó lường trước được. Nét phong cách đặc sắc ấy đã hội tụ và phát sáng trong cả bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” của nhà thơ rất tài hoa và cũng rất đỗi bất hạnh này. Chất “điên cuồng” ấy còn được thể hiện cụ thể rõ nét qua diễn biến tâm trạng của nhà thơ qua đoạn thơ sau:
“Gió theo lối gió mây đường mây
Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?”
Thân bài: Phân tích khổ 2 Đây thôn Vĩ Dạ
Khái quát về tác giả, tác phẩm, đoạn trích: Phân tích khổ 2 Đây thôn Vĩ Dạ
Hàn Mặc Tử có một cuộc đời rất đỗi bi thương, nhưng ông là một trong những nhà thơ mới có sức sáng tạo mạnh mẽ nhất trong phong trào thơ mới. Qua diện mạo thơ hết sức phức tạp và đầy bí ẩn, người ta vẫn thấy rõ một tình yêu đau đớn hướng về cuộc đời, trần thế. “Đây thôn Vĩ Dạ” lúc đầu có tên là Ở đây thôn Vĩ Dạ sáng tác năm 1938, in trong tập “thơ Điên” (về sau đổi thành “Đau thương”).
Theo một số tài liệu, bài thơ được gợi cảm hứng từ mối tình đơn phương của Hàn Mặc Tử với một cô gái Huế ở thôn Vĩ Dạ, một thôn nhỏ bên dòng sông Hương tên là Hoàng Thị Kim Cúc.
Triển khai phân tích, đánh giá đặc sắc nội dung, nghệ thuật đoạn thơ: Phân tích khổ 2 Đây thôn Vĩ Dạ
Với lời trách cứ nhẹ nhàng dịu ngọt vừa như một lời mời, Hàn Mặc Tử trở về với thôn Vĩ Dạ trong mộng tưởng:
“Sao anh không về chơi thôn Vĩ
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền”
Cảnh vật ở thôn Vĩ Dạ – một làng kề sát thành phố Huế bên bờ Hương Giang với những vườn cây trái, hoa lá sum sê hiện lên thật nên thơ, tươi mát làm sao. Đó là một hàng cau thẳng tắp đang tắm mình trong “nắng mới lên” trong lành, tinh khiết, trong trẻo. Khổ thơ đẹp vì sự hài hòa giữa cảnh vật và con người. Như vậy trong khổ đầu tâm trạng nhà thơ là niềm vui, vui đến say mê như lạc vào cõi tiên, cõi mộng khi được trở về với cảnh và người thôn Vĩ.
Từ cách tả cảnh làng quê ở khổ đầu tác giả đã chuyển sang tả cảnh sông với niềm bâng khuâng, nỗi nhớ mong, sầu muộn hư ảo trong giấc mộng. Ở khổ thơ thứ hai, tâm trạng của tác giả đã chuyển sang một gam màu khác nên bước vào khổ thơ này chính là bước vào không gian tâm trạng riêng của Hàn Mặc Tử:
“Gió theo lối gió mây đường mây
Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?”
Thực tại phiêu tàn bắt đầu bao trùm cả khổ thơ. Nhịp thơ 4/3 cùng với hai hình ảnh đối lập: “gió” và “mây” đã gợi lên nỗi buồn vì mây và gió trôi nổi, lang thang chính vì thế mà nó bay thẳng vào thơ Hàn Mặc Tử. Cái buồn sẵn có của nó kết hợp với vần thơ của tác giả thì chính nó đã tự làm cho nó buồn hơn bởi: gió đi theo lối của gió, mây theo đường của mây, gió và mây từ nay xa cách nhau, không còn là bạn đồng hành của nhau nữa nên không còn lí do gì để gặp nhau. Mượn hình ảnh mây và gió, tác giả muốn nói lên tâm trạng buồn của mình, về sự xa cách của mình và người yêu và cũng có thể sự xa cách đó là vĩnh viễn vì Hàn Mặc Tử bây giờ đã là phế nhân, đang nằm chờ cái chết, sự sống đang vơi đi từng ngày.
Chúng ta không còn thấy giọng thơ tươi mát, đầy sức sống như ở đoạn trước nữa, nhưng lại bắt gặp một tâm hồn đau buồn, u uất: “Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay”. Dòng sông Hương hiện lên mới buồn làm sao với những bông hoa bắp màu xám tẻ nhạt. Với biện pháp nhân hóa “dòng nước buồn thiu” đã làm cho hình ảnh dòng nước trở nên u buồn, xa vắng. “Dòng nước buồn” vì tự mang trong lòng một tâm trạng buồn hay nỗi buồn chia phôi của gió – mây đã bỏ buồn vào dòng sông? Câu thơ này dường như còn thể hiện nhịp sống thường ngày của người dân nơi đây: một lối sống êm đềm và buồn tẻ. Hình ảnh “hoa bắp lay” gợi một nỗi buồn hiu hắt – một nỗi buồn bao phủ từ bầu trời đến mặt đất, từ đất, gió, mây đến dòng nước và hoa bắp lay trên sông. Đằng sau những cảnh vật ấy là tâm trạng của một con người mang nặng một nỗi buồn xa cách, một mối tình vô vọng, tất cả bây giờ chỉ là hư ảo trong mộng tưởng.
Trên cái xu thế đang trôi đi, chảy đi thi sĩ chợt ao ước một thứ có thể ngược dòng “về” với mình, ấy là “trăng”:
“Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?”
Vầng trăng trong hai câu thơ này là vầng trăng nguyên vẹn của thi nhân trước mảnh tình yêu chưa bị phôi pha: “Mở cửa nhìn trăng, trăng tái mặt/ Khép phòng đốt nến, nến rơi châu…”. Hàn Mặc Tử rất yêu trăng nhưng vầng trăng ở các bài thơ khác không giống thế này. Một ánh trăng gắt gao, kì quái, một ánh trăng khêu gợi, lả lơi:
“Gió tít tầng cao trăng ngã ngửa
Vỡ tan thành vũng đọng vàng kho”.
Hay:
“Trăng nằm sõng soãi trên cành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi”.
Một không gian tràn ngập ánh trăng, một dòng sông trăng, một bến đò trăng, một con thuyền đầy trăng, … Không gian “bến sông trăng” nghe sao mà quen thuộc đến thế: “Bến sông trăng ôi nỗi nhớ đã đi qua mong tìm đến, biết khi nào được gặp lại em yêu hỡi”. Trong cái lãnh cung của sự chia lìa, vốn không có “niềm trăng và ý nhạc” nên nhà thơ ao ước có trăng về như một niềm khao khát, một tri âm, một vị cứu tinh. Không biết thuyền có chở trăng về kịp cho người trên bến đợi hay không? Đó là một câu hỏi biểu lộ niềm lo lắng của một số phận không có tương lai. Tác giả hiểu căn bệnh của mình nên ông mặc cảm về thời gian ngắn ngủi của cuộc đời mình. Giờ đây đối với ông, sống là chạy đua với thời gian, ông luôn tranh thủ từng ngày, từng buổi trong cái quỹ thời gian còn lại quá ít ỏi của mình. Chữ “kịp” nghe thật xót xa, đau đớn, gây nên nỗi xót thương cho người đọc. Bằng câu hỏi tu từ “có chở trăng về kịp tối nay?” cùng với hình ảnh vừa hư vừa thực ở đoạn cuối thơ vừa như khắc khoải, bồn chồn, vừa như hi vọng chờ đợi một cái gì đó đang rời xa, biết khi nào trở lại. Đây chính là nỗi ước ao tha thiết với một nỗi buồn man mác của Hàn Mặc Tử khi vọng nhớ về thôn Vĩ Dạ.
Đánh giá tác dụng nghệ thuật: Phân tích khổ 2 Đây thôn Vĩ Dạ
“Đây thôn Vĩ Dạ” là một bức tranh đẹp về cảnh và người của một miền quê đất nước qua tâm hồn thơ mộng, giàu trí tưởng và đầy yêu thương của một nhà thơ đa tình đa cảm. Bằng thủ pháp nghệ thuật liên tưởng cùng với những câu hỏi tu từ, hình ảnh biểu hiện nội tâm, bút pháp gợi tả, ngôn ngữ tinh tế của tác giả Hàn Mặc Tử đã phác họa trước mắt người đọc một khung cảnh nên thơ, giàu sức sống và ẩn trong đấy là nỗi lòng của chính nhà thơ: Nỗi đau đớn trước sự cô đơn, buồn chán trần thế, đau cho số phận ngắn ngủi của mình. Dầu vậy nhưng ông vẫn sống hết mình trong sự đau đớn của tinh thần và thể xác. Điều đó chứng tỏ ông không buông thả mình trong dòng sông số phận mà luôn cố gắng vượt lên nó để khi xa lìa cõi đời sẽ không còn gì phải hối tiếc.
Đánh giá đoạn thơ: Phân tích khổ 2 Đây thôn Vĩ Dạ
Nhà thơ Chế Lan Viên từng nói về Hàn Mặc Tử: “Trước không có ai, sau không có ai, Hàn Mặc Tử như một ngôi sao chổi xoẹt qua bầu trời Việt Nam với cái đuôi chói lòa rực rỡ của mình”. Thật vây, trải qua bao năm tháng, cái tình của Hàn Mặc Tử vẫn còn tươi nguyên, nóng hổi và day dứt trong lòng người đọc. “Tình yêu trong ước mơ của con người đau đớn ấy có sức bay bổng kì lạ” nhưng nó cũng giản dị, trong sáng và tươi đẹp như làng quê Vĩ Dạ. Đây là một nghệ sĩ tài hoa, một trái tim suốt cuộc đời luôn thổn thức tình yêu, một tâm hồn thi sĩ đã biến những nỗi đau thương, bất hạnh của đời mình thành những đóa hoa thơ, mà trong đó thơm ngát nhất, thanh khiết nhất, phải kể đến đó là bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ”.
Kết bài: Phân tích khổ 2 Đây thôn Vĩ Dạ
Đọc xong bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử, nhất là khổ thơ “Gió theo lối gió… kịp tối nay?” để lại trong lòng người đọc những tình cảm đẹp. Đoạn thơ giúp ta hiểu thêm tâm tư của một nhà thơ sắp phải giã từ cuộc đời. Lời thơ vì thế mà trầm buồn, sâu lắng, đầy suy tư. Bạn đọc đương thời yêu thơ của Hàn Mặc Tử bởi thi nhân đã nói hộ những tình cảm sâu lắng nhất, thầm kín nhất của mình trong thời đại cái “tôi”, cái bản ngã đang tự đấu tranh để khẳng định. Tình cảm trong thơ Hàn Mặc Tử là tình cảm thực do đó nó sẽ ở mãi trong trái tim bạn đọc. Ấn tượng về một nhà thơ của đất Quảng Bình đầy nắng và gió sẽ không bao giờ phai nhạt trong tâm trí người Việt Nam như nhà thơ Chế Lan Viên từng nhận định:
“Tôi xin hứa hẹn với các người rằng, mai sau, những cái tầm thường, mực thước kia sẽ biến tan đi và còn lại của cái thời kì này, chút gì đáng kể đó là Hàn Mặc Tử”.
Bài văn hoàn chỉnh: Phân tích khổ 2 Đây thôn Vĩ Dạ
Cảm nhận thơ trữ tình xét cho cùng là cảm nhận “cái tình” trong thơ và tâm trạng của nhân vật trữ tình trước thiên nhiên, vũ trụ, đất trời. Đến với thơ ca lãng mạn Việt Nam, giai đoạn 1932 – 1945 “ta thoát lên tiên cùng Thế Lữ, ta phiêu lưu trong trường tình cùng Lưu Trọng Lư, ta điên cuồng cùng Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, ta đắm say cùng Xuân Diệu” (Hoài Thanh, Thi nhân Việt Nam). Đúng thế, bạn đọc đương thời và hôm nay yêu thơ Hàn Mặc Tử bởi chất “điên cuồng” của nó. Chính “chất điên” trong thơ ông chính là sự thay đổi của tâm trạng khó lường trước được. Nét phong cách đặc sắc ấy đã hội tụ và phát sáng trong cả bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” của nhà thơ rất tài hoa và cũng rất đỗi bất hạnh này. Chất “điên cuồng” ấy còn được thể hiện cụ thể rõ nét qua diễn biến tâm trạng của nhà thơ qua đoạn thơ sau:
“Gió theo lối gió mây đường mây
Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?”
Hàn Mặc Tử có một cuộc đời rất đỗi bi thương, nhưng ông là một trong những nhà thơ mới có sức sáng tạo mạnh mẽ nhất trong phong trào thơ mới. Qua diện mạo thơ hết sức phức tạp và đầy bí ẩn, người ta vẫn thấy rõ một tình yêu đau đớn hướng về cuộc đời, trần thế. “Đây thôn Vĩ Dạ” lúc đầu có tên là Ở đây thôn Vĩ Dạ sáng tác năm 1938, in trong tập “thơ Điên” (về sau đổi thành “Đau thương”).
Theo một số tài liệu, bài thơ được gợi cảm hứng từ mối tình đơn phương của Hàn Mặc Tử với một cô gái Huế ở thôn Vĩ Dạ, một thôn nhỏ bên dòng sông Hương tên là Hoàng Thị Kim Cúc.
Với lời trách cứ nhẹ nhàng dịu ngọt vừa như một lời mời, Hàn Mặc Tử trở về với thôn Vĩ Dạ trong mộng tưởng:
“Sao anh không về chơi thôn Vĩ
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền”
Cảnh vật ở thôn Vĩ Dạ – một làng kề sát thành phố Huế bên bờ Hương Giang với những vườn cây trái, hoa lá sum sê hiện lên thật nên thơ, tươi mát làm sao. Đó là một hàng cau thẳng tắp đang tắm mình trong “nắng mới lên” trong lành, tinh khiết, trong trẻo. Khổ thơ đẹp vì sự hài hòa giữa cảnh vật và con người. Như vậy trong khổ đầu tâm trạng nhà thơ là niềm vui, vui đến say mê như lạc vào cõi tiên, cõi mộng khi được trở về với cảnh và người thôn Vĩ.
Từ cách tả cảnh làng quê ở khổ đầu tác giả đã chuyển sang tả cảnh sông với niềm bâng khuâng, nỗi nhớ mong, sầu muộn hư ảo trong giấc mộng. Ở khổ thơ thứ hai, tâm trạng của tác giả đã chuyển sang một gam màu khác nên bước vào khổ thơ này chính là bước vào không gian tâm trạng riêng của Hàn Mặc Tử:
“Gió theo lối gió mây đường mây
Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?”
Thực tại phiêu tàn bắt đầu bao trùm cả khổ thơ. Nhịp thơ 4/3 cùng với hai hình ảnh đối lập: “gió” và “mây” đã gợi lên nỗi buồn vì mây và gió trôi nổi, lang thang chính vì thế mà nó bay thẳng vào thơ Hàn Mặc Tử. Cái buồn sẵn có của nó kết hợp với vần thơ của tác giả thì chính nó đã tự làm cho nó buồn hơn bởi: gió đi theo lối của gió, mây theo đường của mây, gió và mây từ nay xa cách nhau, không còn là bạn đồng hành của nhau nữa nên không còn lí do gì để gặp nhau. Mượn hình ảnh mây và gió, tác giả muốn nói lên tâm trạng buồn của mình, về sự xa cách của mình và người yêu và cũng có thể sự xa cách đó là vĩnh viễn vì Hàn Mặc Tử bây giờ đã là phế nhân, đang nằm chờ cái chết, sự sống đang vơi đi từng ngày.
Chúng ta không còn thấy giọng thơ tươi mát, đầy sức sống như ở đoạn trước nữa, nhưng lại bắt gặp một tâm hồn đau buồn, u uất: “Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay”. Dòng sông Hương hiện lên mới buồn làm sao với những bông hoa bắp màu xám tẻ nhạt. Với biện pháp nhân hóa “dòng nước buồn thiu” đã làm cho hình ảnh dòng nước trở nên u buồn, xa vắng. “Dòng nước buồn” vì tự mang trong lòng một tâm trạng buồn hay nỗi buồn chia phôi của gió – mây đã bỏ buồn vào dòng sông? Câu thơ này dường như còn thể hiện nhịp sống thường ngày của người dân nơi đây: một lối sống êm đềm và buồn tẻ. Hình ảnh “hoa bắp lay” gợi một nỗi buồn hiu hắt – một nỗi buồn bao phủ từ bầu trời đến mặt đất, từ đất, gió, mây đến dòng nước và hoa bắp lay trên sông. Đằng sau những cảnh vật ấy là tâm trạng của một con người mang nặng một nỗi buồn xa cách, một mối tình vô vọng, tất cả bây giờ chỉ là hư ảo trong mộng tưởng.
Trên cái xu thế đang trôi đi, chảy đi thi sĩ chợt ao ước một thứ có thể ngược dòng “về” với mình, ấy là “trăng”:
“Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?”
Vầng trăng trong hai câu thơ này là vầng trăng nguyên vẹn của thi nhân trước mảnh tình yêu chưa bị phôi pha: “Mở cửa nhìn trăng, trăng tái mặt/ Khép phòng đốt nến, nến rơi châu…”. Hàn Mặc Tử rất yêu trăng nhưng vầng trăng ở các bài thơ khác không giống thế này. Một ánh trăng gắt gao, kì quái, một ánh trăng khêu gợi, lả lơi:
“Gió tít tầng cao trăng ngã ngửa
Vỡ tan thành vũng đọng vàng kho”.
Hay:
“Trăng nằm sõng soãi trên cành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi”.
Một không gian tràn ngập ánh trăng, một dòng sông trăng, một bến đò trăng, một con thuyền đầy trăng, … Không gian “bến sông trăng” nghe sao mà quen thuộc đến thế: “Bến sông trăng ôi nỗi nhớ đã đi qua mong tìm đến, biết khi nào được gặp lại em yêu hỡi”. Trong cái lãnh cung của sự chia lìa, vốn không có “niềm trăng và ý nhạc” nên nhà thơ ao ước có trăng về như một niềm khao khát, một tri âm, một vị cứu tinh. Không biết thuyền có chở trăng về kịp cho người trên bến đợi hay không? Đó là một câu hỏi biểu lộ niềm lo lắng của một số phận không có tương lai. Tác giả hiểu căn bệnh của mình nên ông mặc cảm về thời gian ngắn ngủi của cuộc đời mình. Giờ đây đối với ông, sống là chạy đua với thời gian, ông luôn tranh thủ từng ngày, từng buổi trong cái quỹ thời gian còn lại quá ít ỏi của mình. Chữ “kịp” nghe thật xót xa, đau đớn, gây nên nỗi xót thương cho người đọc. Bằng câu hỏi tu từ “có chở trăng về kịp tối nay?” cùng với hình ảnh vừa hư vừa thực ở đoạn cuối thơ vừa như khắc khoải, bồn chồn, vừa như hi vọng chờ đợi một cái gì đó đang rời xa, biết khi nào trở lại. Đây chính là nỗi ước ao tha thiết với một nỗi buồn man mác của Hàn Mặc Tử khi vọng nhớ về thôn Vĩ Dạ.
“Đây thôn Vĩ Dạ” là một bức tranh đẹp về cảnh và người của một miền quê đất nước qua tâm hồn thơ mộng, giàu trí tưởng và đầy yêu thương của một nhà thơ đa tình đa cảm. Bằng thủ pháp nghệ thuật liên tưởng cùng với những câu hỏi tu từ, hình ảnh biểu hiện nội tâm, bút pháp gợi tả, ngôn ngữ tinh tế của tác giả Hàn Mặc Tử đã phác họa trước mắt người đọc một khung cảnh nên thơ, giàu sức sống và ẩn trong đấy là nỗi lòng của chính nhà thơ: Nỗi đau đớn trước sự cô đơn, buồn chán trần thế, đau cho số phận ngắn ngủi của mình. Dầu vậy nhưng ông vẫn sống hết mình trong sự đau đớn của tinh thần và thể xác. Điều đó chứng tỏ ông không buông thả mình trong dòng sông số phận mà luôn cố gắng vượt lên nó để khi xa lìa cõi đời sẽ không còn gì phải hối tiếc.
Nhà thơ Chế Lan Viên từng nói về Hàn Mặc Tử: “Trước không có ai, sau không có ai, Hàn Mặc Tử như một ngôi sao chổi xoẹt qua bầu trời Việt Nam với cái đuôi chói lòa rực rỡ của mình”. Thật vây, trải qua bao năm tháng, cái tình của Hàn Mặc Tử vẫn còn tươi nguyên, nóng hổi và day dứt trong lòng người đọc. “Tình yêu trong ước mơ của con người đau đớn ấy có sức bay bổng kì lạ” nhưng nó cũng giản dị, trong sáng và tươi đẹp như làng quê Vĩ Dạ. Đây là một nghệ sĩ tài hoa, một trái tim suốt cuộc đời luôn thổn thức tình yêu, một tâm hồn thi sĩ đã biến những nỗi đau thương, bất hạnh của đời mình thành những đóa hoa thơ, mà trong đó thơm ngát nhất, thanh khiết nhất, phải kể đến đó là bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ”.
Đọc xong bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử, nhất là khổ thơ “Gió theo lối gió… kịp tối nay?” để lại trong lòng người đọc những tình cảm đẹp. Đoạn thơ giúp ta hiểu thêm tâm tư của một nhà thơ sắp phải giã từ cuộc đời. Lời thơ vì thế mà trầm buồn, sâu lắng, đầy suy tư. Bạn đọc đương thời yêu thơ của Hàn Mặc Tử bởi thi nhân đã nói hộ những tình cảm sâu lắng nhất, thầm kín nhất của mình trong thời đại cái “tôi”, cái bản ngã đang tự đấu tranh để khẳng định. Tình cảm trong thơ Hàn Mặc Tử là tình cảm thực do đó nó sẽ ở mãi trong trái tim bạn đọc. Ấn tượng về một nhà thơ của đất Quảng Bình đầy nắng và gió sẽ không bao giờ phai nhạt trong tâm trí người Việt Nam như nhà thơ Chế Lan Viên từng nhận định:
“Tôi xin hứa hẹn với các người rằng, mai sau, những cái tầm thường, mực thước kia sẽ biến tan đi và còn lại của cái thời kì này, chút gì đáng kể đó là Hàn Mặc Tử”.
Một số bài viết liên quan Nghị luận xã hội – Ngữ Văn 11
Một số bài viết liên quan Nghị luận văn học – Ngữ Văn 11
- Phân tích đánh giá đoạn thơ sau trong bài Vội vàng Xuân Diệu
- Phân tích khổ 2 Đây thôn Vĩ Dạ – Hàn Mặc Tử – Ngữ Văn 11
- Phân tích khổ 3 Tràng giang – Huy Cận – Ngữ Văn 11